Những sai lầm thường gặp trong việc xin visa Mỹ

1. Chủ quan

+ Bạn có một hồ sơ đẹp, từng đi du lịch rất nhiều Quốc gia, khả năng tài chính tốt nên tự tin về khả năng đậu Visa Mỹ của mình. Đây là những trường hợp bị đánh trượt rất thường gặp khi xin visa Mỹ.

+ Một số người nghĩ việc bị từ chối Visa Mỹ là do không đủ mạnh về năng lực tài chính. Và trước khi đi phỏng vấn, họ nhận được các thông tin bên lề như: phỏng vấn rất dễ, trả lời vài câu cơ bản là đậu; nhưng thật ra Visa Mỹ không dễ dàng như vậy. Việc phỏng vấn Visa Mỹ và nội dụng phỏng vấn ở từng trường hợp, từng đối tượng là khác nhau, và chỉ đúng cho một cá nhân đó.

Chủ quan là nguyên nhân thường gặp khiến bạn bị từ chối visa MỹChủ quan là nguyên nhân thường gặp khiến bạn bị từ chối visa Mỹ

Có những trường hợp hồ sơ đẹp, từng đi du lịch rất nhiều Quốc gia, khả năng tài chính tốt nhưng lại rớt Visa Mỹ. Chị Khánh Lan làm chủ một tiệm vàng, có 3 căn nhà cho thuê và 3 tỷ trong sổ tiết kiệm, chị đi du lịch hết Hàn, Nhật rồi sang Châu Âu, Úc,…

Khi đi phỏng vấn, chị rất tự tin bước vào quầy phỏng vấn. Lãnh sự Mỹ hỏi ngay: “Chị có bà con bên Mỹ không?”. Với tính cách bộp chộp, chị nhanh nhảu trả lời là “có, tôi có đứa em bà con bên Mỹ” trong khi hồ sơ khai không hề có người thân bên Mỹ. Chị bị Lãnh Sự Quán đánh rớt ngay tại nơi phỏng vấn. 

Một kỹ sư của tập đoàn liên doanh lớn, có hồ sơ rất tốt, từng đi du lịch và công tác một số nước, nhưng đến khi xin Visa Mỹ lại bị trượt. Nguyên nhân chỉ đơn giản là vì anh này đã thể hiện rằng mình quá… giỏi với các Viên chức Lãnh Sự. Khi được hỏi rằng anh đang làm gì, anh đã say mê kể về năng lực nghề nghiệp của mình và còn dành những lời có cánh cho trình độ khoa học tiến bộ của Mỹ, đặc biệt là về ngành của anh. Anh còn có khả năng sử dụng Anh ngữ một cách thành thạo.

Nhưng anh không thể ngờ rằng những điều này làm cho các Viên chức Lãnh Sự nghi ngại rằng anh có thể dễ dàng ở lại Mỹ. Vì với những kiến thức, cơ hội nghề nghiệp và khả năng ngoại ngữ của mình, anh ta hoàn toàn có thể thích nghi tốt nếu có ý định muốn ở lại. 

Hoặc đôi khi chỉ những chi tiết rất nhỏ thể hiện sự chủ quan như sắp xếp hồ sơ, Lãnh Sự Quán hỏi về giấy tờ sở hữu xe thì bỏ quên ngoài xe hơi cho tài xế giữ, có người khi được hỏi đến giấy phép kinh doanh phải lục lọi cả 5 phút trong đống hồ sơ lộn xộn,… nên cũng có thể bị đánh rớt.

2. Chứng minh mục tiêu chuyến đi chưa tốt

Khi Lãnh Sự Quán hỏi: Bạn muốn đi đâu?
Câu trả lời là tôi muốn đi du lịch Mỹ là một câu trả lời rất chung chung
Bạn cần nắm chắc mục đích chuyến đi của mình là đi du lịch Mỹ, đi công tác, hay đi thăm thân nhân,… để từ đó hướng hồ sơ cũng như chuẩn bị các câu trả lời cho phù hợp với mục đích chuyến đi của mình.

Nếu bạn đi du lịch thì khi Lãnh Sự Quán hỏi bạn muốn đi đâu? Bạn phải hiểu ngay rằng họ đang muốn kiểm tra lại một lần nữa rằng bạn có thât sự nắm rõ mục đích đi sang Mỹ của mình vì điều đơn giản là nếu bạn muốn tham quan du lịch nước Mỹ, dù cho đi tự túc, đi với gia đình hay đi thăm thân nhân kết hợp du lịch,… thì bạn phải nắm được thông tin tên điểm đến của mình. Những câu trả lời chung chung kiểu như muốn đi Mỹ sẽ rất dễ bị đánh rớt. Câu trả lời nên rõ ràng chứng tỏ bạn nắm rõ lịch trình của mình: Tôi muốn sang Mỹ thăm Los Angeles, Las Vegas và Little Sài Gòn chẳng hạn.

Một số người thì trả lời là tôi đi du lịch bờ Tây nước Mỹ vì tôi muốn thăm tượng Nữ thần tự do, trong khi tượng Nữ thần tự do lại ở New York – Bờ Đông nước Mỹ. Như thế cũng cho thấy sự sai lệch thông tin cơ bản và chứng tỏ rằng bạn chằng phân biệt nổi địa danh mà mình dự định ghé thăm.

Người đi thăm thân nhân thì khi hỏi về các thông tin sâu của người thân đó như việc người đó qua Mỹ chính xác được bao lâu, người đó có mấy người con, những người con đó bao nhiêu tuổi, người đó làm công việc gì, thu nhập thế nào, có bằng chứng giấy tờ gì chứng minh hay không?,… Vì Viên chức Lãnh Sự có thể hỏi, mà cũng có thể họ chẳng hỏi gì nhiều, nhưng nhiệm vụ của bạn khi họ hỏi là phải trả lời rành mạch, đầy đủ, tự tin, bạn ấp úng hay trả lời chung chung như: “Em tôi qua Mỹ chắc cũng khoảng mười mấy năm”. Những thông tin cơ bản như vậy nếu người thân của bạn mời bạn qua thăm, chứng tỏ có một mối liên hệ gắn kết và quan tâm nhau, bạn không thể trả lời kiểu chung chung không nắm được những thông tin quan trọng này. Vì thế có thể một vài câu hỏi đơn giản vẫn có thể khiến bạn bị đánh rớt Visa Mỹ.

Hoặc như có những người đi công tác, hội thảo,… thì lại không chuẩn bị kỹ khâu thư mời, trong thư quá sơ sài thiếu nội dung cần thiết, hoặc đinh ninh có người mời sẽ lo hết nên không quan tâm lắm đến các vấn đề liên quan.

Ví dụ như: Anh qua bên đó dự hội thảo sau đó làm gì nữa?
Tôi định đi tham quan vòng vòng một số thành phố lân cận.
Lịch trình đi cụ thể thế nào?
Tôi cũng không rõ tùy thuộc vào bên đó sắp xếp sau khi kết thúc hội thảo.

Anh qua bên Mỹ dự hội thảo rồi anh ở đâu?
Bên đó lo chỗ ở, tôi cũng không rõ lắm. Hình như mấy khách sạn gần khu Phước Lộc Thọ.

Nếu bạn trả lời kiểu chung chung và không nắm rõ ràng kế hoạch chuyến đi dự hội thảo hoặc công tác của mình như vậy sẽ khiến bạn có nguy cơ rất cao bị đánh rớt.

+ Chính vì vậy, trước mỗi lần xin Visa Mỹ, cần có sự chuẩn bị rõ ràng cho mục tiêu chuyến đi của mình, để chứng minh được rằng bạn có kế hoạch, mục đích thật rõ ràng, cụ thể cho chuyến đi sắp tới để thuyết phục Lãnh sự quán Mỹ.

Chưa chứng minh rõ ràng mục tiêu của chuyến điChưa chứng minh rõ ràng mục tiêu của chuyến đi

3. Chứng minh “sự ràng buộc chặt chẽ bạn sẽ quay về Việt Nam” chưa tốt

Những người muốn đi Mỹ nhưng quá trẻ, chưa kết hôn, không có công việc, nghề nghiệp chuyên môn ổn định, không chứng minh được thu nhập và nguồn tài chính chi trả cho chuyến đi, quá trình làm việc hay thay đổi, có những lúc bị gián đoạn công việc lâu mà không giải thích được rõ lý do, hợp đồng lao động quá mới, sổ tiết kiệm không có, hoặc các biến cố trong hoàn cảnh của bạn như đổi việc, ly dị, phá sản, giảm sút tài sản,… làm suy yếu mức độ ràng buộc của bạn sẽ quay về với Việt Nam từ đó làm tăng khả năng rớt Visa Mỹ của bạn.

Để chứng minh sự ràng buộc chặt chẽ của bạn với Việt Nam bạn sẽ có rất nhiều cách. Bạn có thể dựa vào các loại tài sản cố định như: giấy tờ sở hữu nhà, đất, cơ sở kinh doanh có đóng thuế,… Bên cạnh đó, bạn cũng có thể dựa vào yếu tố mối quan hệ như giấy tờ kết hôn, gia đình, họ hàng,… bạn phải chứng minh được phải có sự ràng buộc ở Việt Nam khiến bạn mong muốn nhanh chóng quay về khi kết thúc xong lịch trình của mình.

+ Ràng buộc gia đình: Đây là thế mạnh của người đi phỏng vấn nếu chứng minh được quan hệ gia đình. Quan hệ gia đình không thể rời bỏ có thể là có Vợ / Chồng / Con nhỏ / Bố Mẹ già tại Việt Nam. 

+ Ràng buộc về sở hữu tài sản, của cải tại Quốc gia bạn đang ở: Những tài sản hoặc sở hữu có giá trị lớn: Bất động sản, Nhà cửa, đất đai, mặt bằng cho thuê, Xe, sở hữu Công ty, Cổ phiếu, Cổ phần, Hợp đồng cho thuê nhà, Xe cộ, xưởng, kho bãi, nhà máy,… 

+ Tiền mặt trong tài khoản Sổ Tiết Kiệm: Là số tiền chứng minh, thuyết phục các Viên chức Lãnh Sự rằng bạn có đủ khả năng chi trả cho chuyến đi trong thời gian qua đất nước của họ, số tiền này có ý nghĩa như một phần tiền nhàn rỗi và ổn định qua thời gian dài. 

+ Những ràng buộc nghề nghiệp, chuyên môn có thể là: đang làm Quan chức quan trọng trong nhà nước, Doanh nghiệp hay Trường học. Đang điều hành cửa hàng, công ty tư nhân, việc kinh doanh, làm ăn của công ty, cửa hàng, hộ kinh doanh đang ổn định tốt,…

+ Những ràng buộc xã hội có thể là: Thành viên của một hội đoàn xã hội nào đó, thường xuyên tham gia một họat động Văn hóa – Xã hội nào đó, tham gia một Tôn giáo nào đó,…

+ Những ràng buộc khác: Nếu có bất kỳ tài liệu gì chứng minh mình là người được mọi người trong gia đình và xã hội tín nhiệm thì nên đưa ra khi Phỏng vấn vì bản chất của việc trả lời Phỏng vấn xin Visa (nhất là Mỹ) là gây dựng lòng tin. Có được càng nhiều sự tin tưởng thì càng tốt.

+ Có rất nhiều người nghĩ rằng Mỹ chỉ đánh trượt Visa du lịch, còn có hẳn thư mời tham dự hội thảo, thư mời từ các công ty lớn bên Mỹ sẽ chắc chắn đậu Visa Mỹ, đây là một sai lầm lớn để bị từ chối Visa Mỹ. Vì nếu các yếu tố ràng buộc để bạn quay về không cao thì họ cũng sẽ có thể từ chối Visa của bạn.

+ Để được cấp Visa Mỹ, người nộp đơn phải chứng tỏ được rằng họ không có ý định định cư tại Mỹ. Để chứng minh được điều này thì cần chứng minh những ràng buộc tại Việt Nam về khía cạnh gia đình, tài chính, công việc, học hành, hoặc tương lai sự nghiệp. Mỗi cá nhân với từng hoàn cảnh riêng sẽ có câu trả lời và cách chứng minh riêng cho mình, không ai giống ai.

4. Các vấn đề khi Phỏng vấn Visa Mỹ

+ Khi Phỏng vấn Visa Mỹ, thời gian phỏng vấn diễn ra rất ngắn (từ 3 đến 5 phút) nên hãy trả lời phỏng vấn thật chính xác và ngắn gọn. Cần lưu ý rằng tất cả ngôn ngữ cơ thể (cử chỉ, thái độ…) sẽ được nhân viên Lãnh sự phân tích sát sao. Thái độ vui vẻ, tự tin, trung thực và nắm rõ kế hoạch đi về luôn tạo được ấn tượng tốt từ phía Lãnh Sự Quán. Những trường hợp bị đánh trượt đa phần là ấp úng, thiếu tự tin, câu trả lời chưa trung thực. Cũng có nhiều trường hợp bị từ chối Visa Mỹ chỉ vì sơ suất trả lời không khớp với những chi tiết trong hồ sơ hoặc trả lời sai khi nghe không rõ câu hỏi. Chẳng hạn như, bạn quyết định mục đích chuyến đi là tham dự hội thảo có thư mời rõ ràng, nhưng bạn có người thân ở Mỹ, nhân viên Lãnh sự quán hỏi bạn có dự định thăm người thân không, nếu bạn trả lời có, điều này chứng tỏ bạn không trung thực khi làm hồ sơ vì không hề khai về việc thăm người thân trước đó. Chỉ cần có bất kỳ dấu hiệu đáng nghi ngờ nào, dù là vô tình hay cố ý, khả năng rớt Visa Mỹ sẽ… rất cao.

+ Nên trả lời trung thực, đầy đủ và rõ ràng tình trạng của mình nếu bạn có bạn bè, thân nhân đang sinh sống tại Mỹ, bởi Lãnh Sự Quán xem việc đó hết sức bình thường và sẵn sàng cấp visa nếu du khách chứng minh được chỉ đến thăm họ một thời gian và sẽ trở lại Việt Nam trong thời hạn visa cho phép. Việc giấu giếm hoặc cung cấp thông tin sai lệch, du khách có thể bị từ chối Visa Mỹ, và trong một số trường hợp, du khách sẽ vĩnh viễn không bao giờ được phép nhập cảnh vào Mỹ.

+ Một số người thì ngôn ngữ cơ thể lại làm họ mất điểm rất nhiều ví dụ như vào phòng chờ thì bắt chuyện làm quen người này người khác, làm ồn ào, so sánh hồ sơ của mình với người khác, lo lắng sợ sệt hay mở hồ sơ ra xem như kiểu học thuộc lòng, hay hồi hộp toát mồ hôi, trả lời ấp úng không lưu loát,… đều có thể khiến bạn bị đánh rớt Visa Mỹ.
 
+ Bên cạnh đó, ăn mặc quá lôi thôi hoặc quá diêm dúa cũng làm mất điểm trong mắt nhà phỏng vấn.

+ Bạn phóng đại khả năng, kinh nghiệm của mình và nhất là khả năng tài chính. Đây là sai lầm lớn khi phỏng vấn visa vì hầu hết thông tin này đã có hết trong hồ sơ của bạn, kèm theo giấy tờ chứng thực.

+ Bạn nói dối hoặc cung cấp các giấy tờ giả mạo lúc phỏng vấn và bị phát hiện.

Hy vọng rằng một số thông tin trong bài viết trên đây đã giúp bạn phần nào những thông tin hữu ích hơn để bạn thêm tự tin và đạt Visa Mỹ thuận lợi dễ dàng.

Chúc các bạn thành công!