Du lịch Nhật Bản là một trong những niềm ước ao của nhiều người và đương nhiên đây cũng không phải là một quốc gia dễ dàng cấp visa cho bất kì ai. Nhưng cũng đừng quá lo sợ về vấn đề này mà làm ảnh hưởng đến giấc mơ Nhật tiến của bạn. Bài viết dưới đây tóm tắt một cách tương đối đầy đủ nhất những thông tin cần thiết để bạn tự chuẩn bị được hồ sơ cá nhân và học nhanh những kinh nghiệm xin visa du lịch Nhật Bản hiệu quả nhất, tiết kiệm tối đa thời gian, công sức và tiền bạc.
Mục lục
1. Bộ hồ sơ cần những giấy tờ gì?
– Hộ chiếu: Đảm bảo hộ chiếu còn thời hạn từ 6 tháng trở lên.
– Đơn xin visa: Bộ đơn xin visa du lịch Nhật Bản cần được làm cẩn thận và đầy đủ với các loại giấy tờ cơ bản gồm: tờ khai xin cấp visa (có mẫu trên website Đại sứ quán Nhật Bản), lịch trình du lịch và lưu trú, giấy xác nhận việc làm (viết bằng tiếng Anh) và đơn xin nghỉ phép có chứng nhận từ công ty mà bạn đang làm việc. Lưu ý rằng bạn phải ghi rõ ngày xin visa và chữ kí trong các văn bản phải khớp với chữ kí trong hộ chiếu. Nhiều bạn kí tùy hứng, kí theo cảm xúc, kí đại rất nguy hiểm nhé.
– Hình thẻ: Hình thẻ size 4.5 cm x 4.5 cm được chụp trong vòng 6 tháng trở lại và ghi tên họ đầy đủ vào mặt sau. Rất nhiều trường hợp ảnh chụp và người thực không giống nhau cũng dễ bị từ chối bởi nhiều lý do cá nhân.
Chứng minh tài chính là một điều hết sức quan trọng để đảm bảo khả năng chi trả cho chuyến du lịch của bạn tại Nhật Bản.
– Hồ sơ chứng minh khả năng tài chính: Điều này rất quan trọng nhé, không phải chỉ có đi du học mới cần chứng minh tài chính đâu. Nếu nhận lương qua tài khoản, bạn hãy đến ngân hàng, xin sao kê tài khoản lương 3 tháng gần nhất, có mộc đỏ trên bản sao kê. Nếu nhận lương bằng tiền mặt, bạn đến công ty và xin một bản chứng nhận lương của 3 tháng gần nhất, có chữ kí và mộc đỏ của công ty. Tất cả đều sử dụng bản gốc.
– Bên cạnh đó, số dư tài khoản bạn cũng cần phải lưu ý thật kĩ. Một cuốn sổ tiết kiệm mang tên mình có giá trị 100 triệu đồng trở lên. Bạn có thể đến ngân hàng xin cấp một bản chứng nhận số dư tài khoản, bản tiếng Anh các bạn nhé. Bạn chỉ cần đến ngân hàng trình bày lý do là nhân viên sẽ hiểu và hỗ trợ bạn. Chi phí xin sao kê tại mỗi ngân hàng là khác nhau.
– Bản sao y hợp đồng lao động, có đóng dấu treo của công ty thì càng tốt. Tất cả những giấy tờ mang theo phỏng vấn tốt nhất có bản sao và bản chính để đối chiếu ngay khi cần thiết.
– Đơn xin nghỉ phép có xác nhận của công ty nơi bạn đang làm việc.
Lịch trình của bạn càng chi tiết, càng rõ ràng, thể hiện sự chuyên nghiệp và chủ động trong các chuyến đi thì khả năng được cấp visa càng cao.
– Lịch trình lưu trú: Bạn có thể tải một mẫu đơn khai lịch trình lưu trú tại trang web của Đại sứ quán Nhật Bản về các địa phương sẽ đến, các điểm tham quan, khách sạn lưu trú, kèm theo đó là các thông tin xác nhận đặt phòng, vé máy bay. Lịch trình của bạn càng rõ ràng, càng chi tiết thì càng tốt. Việc chỉ ghi chung chung thành phố bạn đến, không ghi rõ địa điểm tham quan (công viên, bảo tàng, trung tâm thương mại…), địa chỉ nơi cư trú sẽ khiến hồ sơ của bạn dễ bị từ chối. Bạn nên gửi đính kèm trong hồ sơ cả xác nhận đặt phòng khách sạn và vé máy bay (không xuất vé cho đến khi có visa) để thông tin được xác thực hơn. Đối với những cặp đôi là vợ chồng thì cũng thủ thêm cả đăng kí kết hôn bản sao trong hồ sơ luôn nhé.
*Một vài lưu ý phải ghi nhớ: Bạn sẽ không được trả lại những giấy tờ đã nộp. Nếu có những giấy tờ cần phải trả lại thì phải thông báo trước khi nộp hồ sơ. Ngoài ra những giấy tờ cần phải trả lại bản gốc (giấy chứng nhận kết hôn, giấy khai sinh, sổ hộ khẩu, giấy nhập học…) và giấy tư cách lưu trú thì phải cầm sẵn theo một bản sao nhé.
Mùa thu Nhật Bản đẹp tựa tranh vẽ.
2. Nộp hồ sơ như thế nào?
Đã sẵn sàng bộ hồ sơ xin visa du lịch Nhật Bản đầy đủ, bạn có thể trực tiếp đến Đại sứ quán Nhật để nộp hồ sơ hoặc đặt lịch hẹn trên trang web của VFS (tạo tài khoản và điền thông tin theo hướng dẫn từng bước). Bạn nên đặt lịch hẹn trước để tránh trường hợp phải chờ đợi lâu, ảnh hưởng tới giờ giấc làm việc. Hồ sơ gửi fax hoặc bưu điện sẽ không được chấp nhận bạn nhé!
- Thời gian tiếp nhận hồ sơ: Tất cả các ngày trong tuần từ thứ hai đến thứ sáu (trừ những ngày nghỉ lễ của Sứ Quán). Buổi sáng: từ 8:30 đến 11:30.
- Thời gian trả kết quả Visa: Tất cả các ngày trong tuần từ thứ hai đến thứ sáu (trừ những ngày nghỉ lễ của Sứ Quán). Buổi chiều: từ 13:30 đến 16:45.
Tại Đại sứ quán Nhật Bản, bạn có thể nhận kết quả visa du lịch Nhật Bản sau 8 ngày kể từ ngày nộp đơn (có trường hợp cần thời gian xem xét nhiều hơn). Lúc đấy mới biết có đậu hay không. Ví dụ: Nộp đơn xin cấp visa sáng thứ hai tuần này, trả kết quả vào chiều thứ năm tuần tiếp theo. Nộp đơn xin cấp visa vào sáng thứ ba tuần này, trả kết quả vào chiều thứ sáu tuần tiếp theo. Kiên nhẫn chờ đợi nhé.
Còn đối với những bạn xin visa tại Tổng lãnh sự quán Nhật thì thời gian nhận kết quả sẽ sớm hơn, dao động trong khoảng 5 ngày (hoặc dài hơn tùy trường hợp).
Bạn nên lưu ý rằng đại sứ quán Nhật (tại Hà Nội) sẽ chỉ nhận hồ sơ của người có hộ khẩu từ Gia Lai, Bình Định trở ra, còn Tổng lãnh sự quán Nhật (tại TP. Hồ Chí Minh) chỉ nhận hồ sơ của người có hộ khẩu từ Đắk Lắk, Phú Yên trở vào. Nếu bạn không đúng khu vực, bạn cần nộp thêm giấy chứng nhận tạm trú do công an phường cấp hoặc KT3.
Bạn có 3 địa điểm sau để nộp hồ sơ xin visa du lịch Nhật Bản bao gồm:
Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam
Địa chỉ: 27 Liễu Giai, Quận Ba Đình, Hà Nội
Điện thoại: +84–24–3846–3000 Fax: +84–24–3846–3043
Tổng Lãnh sự quán Nhật Bản tại TP. HCM
261 Điện Biên Phủ, Quận 3, TP. Hồ Chí Minh
Tel: +84–28–3933–3510 Fax: +84–28–3933–352
VFS Global — Trung tâm tiếp nhận hồ sơ xin thị thực Nhật Bản
– Tại TP. Hồ Chí Minh: Lầu 4, Tòa nhà Resco, Số 94 – 96 đường Nguyễn Du, phường Bến Nghé, quận 1, TP. Hồ Chí Minh.
– Tại Hà Nội: Tòa nhà Gelex: Tầng 3, 52 Lê Đại Hành, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội.
3. Lệ phí như thế nào?
Tại Đại sứ quán Nhật Bản (Hà Nội)
– Visa hiệu lực 1 lần: 610.000 VND
– Visa hiệu lực nhiều lần: 1.220.000 VND
– Visa quá cảnh (transit): 140.000 VND
Tại Tổng lãnh sự quán Nhật Bản (Hồ Chí Minh)
– Visa hiệu lực 1 lần: 650.000 VND
– Visa hiệu lực nhiều lần: 1.300.000 VND
– Visa quá cảnh (transit): 140.000 VND
4. Có phải phỏng vấn không nhỉ?
Không phải tất cả trường hợp xin visa đều phải lên phỏng vấn. Tuy nhiên, trong một số giai đoạn cao điểm, nhạy cảm hoặc hồ sơ của bạn không rõ ràng thì Đại sứ quán sẽ yêu cầu bạn lên phỏng vấn ngắn để làm rõ thông tin. Bạn sẽ phải thực hiện phỏng vấn bằng tiếng Nhật hoặc tiếng Anh, chuẩn bị tinh thần nhé!
Người Nhật khi gặp mặt, đặc biệt là các cuộc hẹn công việc thì rất quan tâm đến trang phục và cách giao tiếp, ứng xử. Bạn nên ăn mặc kín đáo, lịch sự với màu sắc giản dị, màu sắc trang nhã để thể hiện sự tôn trọng và tạo thiện cảm với người phỏng vấn bạn.
Đừng lo lắng quá về nội dung phỏng vấn. Các câu hỏi chỉ nhằm mục đích làm rõ thông tin trong hồ sơ của bạn như mục đích du lịch, khả năng tài chính, công việc, kinh nghiệm du lịch đã từng có hoặc một số điều mà bạn đã biết về xứ sở hoa anh đào xinh đẹp.
Khi trả lời, bạn nên nói một cách từ tốn, rõ ràng, trả lời đúng trọng tâm để thể hiện sự tôn trọng, chuyên nghiệp, lịch sự đối với người phỏng vấn bạn. Trước khi thực hiện phỏng vấn, bạn cũng nên chuẩn bị nội dung trả lời. Có thể tiếng Anh hoặc tiếng Nhật của bạn chưa thực sự vững nhưng bạn nên luyện phát âm tốt nhất có thể đối với các từ khóa trong câu trả lời, để đảm bảo đối phương hiểu nội dung mà bạn muốn truyền tải. Sự ấp úng, thiếu tự tin sẽ khiến bạn khó được chấp nhận cấp visa. Cứ tự tin, thẳng thắn và trả lời mạnh dạn các câu hỏi.
Chuẩn bị mọi thứ kĩ càng, visa sẽ nằm trong tầm tay bạn.
Người Nhật rất không thích các hành động không tuân thủ quy định, pháp luật. Chính vì thế, bạn nên xin visa du lịch Nhật Bản bằng chính khả năng của mình và thật sự kiên nhẫn. Đừng sử dụng các dịch vụ môi giới hay thực hiện bất kì hành vi nào không đúng quy trình hoặc “đi đường vòng”, một khi bị phát hiện, bạn sẽ không được cấp visa dưới mọi hình thức hoặc bị xử lý nghiêm minh đấy.